Vị thuốc bán chi liên và bạch hoa xà thiệt thảo
Hỏi: Xin vui lòng cho tôi biết những công dụng của vị thuốc bán liên chi và bách hoa xà thiệt thảo có đúng là trị được bách bệnh, đặc biệt là ung thư như trên internet đã nói hay không? Bài thuốc này trong dân gian có hay dùng và dùng thường xuyên không? Nếu dùng thường xuyên có ảnh hưởng gì không?
(Mộng Loan - TP.HCM)
Trả lời:
Cây bán chi liên còn có tên là hoàng cầm râu, thuẩn râu, họ hàn tín lá hẹp, tên khoa học Scutellaria barbata D.Don (S. rivularis Benth.), thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Bán chi liên
Loài cây này mọc ở nơi sáng và ẩm, gặp ở ruộng hoang, bãi hoang từ vùng thấp đến vùng cao.
Thành phần hóa học có trong bán chi liên được ghi nhận ban đầu là scutellarin, scutellarein, carthamidin, isocarthamidin. Ngoài ra còn có alcaloid, hợp chất phenol, sterol, tanin.
Về tác dụng dược lý, hợp chất flavonoid scutellarein trong bán chi liên có tác dụng ức chế được hoạt độ của protein kinase C não chuột bạch.
Theo Đông y, bán chi liên có vị hơi đắng, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu sưng, giảm đau, chống khối u tân sinh.
Thường được sử dụng trong các trường hợp: áp-xe phổi (lao phổi xơ), viêm ruột thừa; viêm gan, xơ gan cổ trướng, khối u tân sinh.
Ngày dùng 20 - 40g, có thể tới 80g, dạng thuốc sắc uống.
Dùng ngoài, lấy lượng cây tươi vừa đủ, rửa thật sạch, giã nát đắp và nấu nước rửa, trị rắn độc cắn, sâu bọ cắn đốt, các loại mụn nhọt sưng đau, viêm vú, viêm mủ da, sâu quảng, đòn ngã tổn thương.
Cây bạch hoa xà thiệt thảo còn có tên là cỏ lưỡi rắn hoa trắng, lưỡi rắn trắng, bòi ngòi bò, tên khoa học Hedyotis diffusa willd., thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Sở dĩ có tên trên là vì xà thiệt là lưỡi của con rắn, bạch hoa là hoa có màu trắng. Cây này có lá giống lưỡi rắn và có hoa màu trắng.
Bạch hoa xà thiệt thảo thường mọc hoang ở bờ ruộng, sườn núi, hai bên đường di. Thấy nhiều ở vùng trung du và đồng bằng.
Thành phần hóa học đã biết trong cây bạch hoa xà thiệt thảo có hydrocarbur, có acid oleanolic, acid asperulosidic, ursolic, acid p-coumaric, stigmasterol, B-sitosterol, sitosterol-D-glucose.
Theo Đông y, bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết, lợi niệu, tiêu ung tán kết.
Bạch hoa xà thiệt thảo
Dùng chữa viêm đường tiết niệu, viêm amidan, viêm hầu họng, viêm gan, viêm gan vàng da cấp, sỏi mật, kiết lỵ cấp, mụn nhọt, ung thũng, đòn ngã chấn thương, rắn độc cắn, trẻ em cam tích, ho do phế nhiệt.
Ngày dùng 60 - 320g tươi hoặc 40 - 80g khô, sắc với 1 lít nước, còn 300ml chia 2 lần uống trước bữa ăn. Có thể rửa thật sạch với nước muối loãng, giã nát vắt lấy nước cốt để uống.
Dùng ngoài, lấy cây tươi rửa thật sạch, giã nát, đắp lên chỗ đau.
Phụ nữ có thai không nên dùng vị thuốc này.
Trong một số tài liệu y học của Trung Quốc gần đây (Chinese herbal medicine - Materia Medica (1992), Trung dược đại từ điển, Thường dụng thảo dược trị liệu thủ sách…), các nhà y học đã ứng dụng 2 vị thuốc bán chi liên và bạch hoa xà thiệt thảo để bổ trợ cho việc chữa trị một số bệnh ung thư trong thời kỳ đầu (phát hiện sớm) như: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tử cung.
Bước đầu ghi nhận có sự cải thiện bệnh trạng. Tuy nhiên, con đường nghiên cứu ứng dụng cây cỏ để điều trị ung thư vẫn còn dài ở phía trước.
Bạch hoa xà thiệt thảo được dùng kết hợp với vị thuốc bán chi liên trong bài thuốc sau:
Bán chi liên 40g khô (80g tươi), bạch hoa xà thiệt thảo 80g khô (tươi 160g).
Nấu với 750ml nước, sắc còn lại 200ml, chia 2 lần, uống nguội vào buổi sáng và chiều, trước bữa ăn 60 phút, hay sau bữa ăn 2 giờ.
Có thể nấu lần thứ hai với nhiều nước uống thay trà.
Trong thời gian uống thuốc, có thể có phản ứng phụ như ngứa hoặc tiêu chảy nhưng không kéo dài. Sau khi uống thuốc, nếu thấy có máu mủ bài tiết ra thì đó là dấu hiệu tốt.
Bài thuốc này không độc, nên có thể uống thuốc từ 3 đến 4 tháng. Không nên ăn các thứ cay nóng trong thời gian uống thuốc.
Không dùng cho phụ nữ có thai.
Lương y Đinh Công Bảy
Nhận xét
Đăng nhận xét