Tránh nhầm lẫn những dược liệu có tên phụ tử
Hàng năm, ở nước ta, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ ngộ độc chết người do ô đầu, phụ tử, phần lớn là do sự thiếu hiểu biết về các cây thuốc này. Vì vậy, trong quá trình khai thác các vị thuốc gọi là “phụ tử”, từ nguồn dược liệu đầu vào đến việc chế biến và sử dụng chúng, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc để tránh nhầm lẫn.
Cây ô đầu
Ở Việt Nam, cây ô đầu có tên khoa học là Aconitum fortunei Hemsl., hoặc Aconitum carmichaeli Debx., họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Có 2 loại: ô đầu mọc hoang ở một số vùng núi Lào Cai, Hà Giang… và di thực từ cây ô đầu Trung Quốc.
Cây ô đầu.
Ô đầu thân đứng thẳng, hình trụ, ít phân nhánh, cao khoảng 0,6-1m. Lá mọc so le có gân hình chân vịt, lá non hình tim tròn, có răng cưa; lá già xẻ 3-5 thùy, mép khía răng cưa. Cụm hoa mọc thành chùm ở ngọn thân. Quả gồm 5 đài mỏng. Từ cây ô đầu cho 2 dược liệu quý: Ô đầu là rễ cái của cây ô đầu, thường gọi là củ. Vị thứ hai là sinh phụ tử, là các rễ nhánh, tức những củ con phát sinh từ củ cái. Cả hai đều được sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, vị thuốc ô đầu (củ cái) chỉ được sử dụng bên ngoài làm thuốc xoa bóp: củ ô đầu thái mỏng, ngâm rượu 40-60% trong nhiều ngày, xoa bóp chữa bong gân, sai khớp, đau xương khớp, lưng gối. Loại rượu này có độc tính rất cao (chứa alcaloid có độc tính lớn, như aconitin, mesaconitin, hypaconitin, pseudaconitin...) nên không được uống.
Để sử dụng được phụ tử, phải chế biến kỹ. Sinh phụ tử được chế biến để có phụ tử (chế). Phụ tử chế tồn tại dưới 3 dạng: diêm phụ - là sinh phụ tử được chế với muối ăn và magnesi clorid. Diêm phụ là nguyên liệu trung gian để chế bạch phụ và hắc phụ. Bạch phụ là sản phẩm cũng chế biến từ sinh phụ tử hay diêm phụ. Hắc phụ là sản phẩm được chế biến từ diêm phụ hoặc sinh phụ tử. Chỉ có bạch phụ, hắc phụ mới được phép sử dụng uống trong với liều 4-12g.
Theo YHCT, phụ tử (chế) có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, có độc. Quy vào các kinh tâm, thận với công năng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, tán hàn chỉ thống. Trị chứng vong dương, thoát dương, chân tay lạnh, đau nhức xương khớp, lưng gối đau lạnh, chân tay phù nề.
Trị các chứng vong dương, thoát dương, người lạnh, chân tay lạnh, nôn mửa: phụ tử (chế) 10g, can khương 5g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị đau dây thần kinh, viêm khớp dạng thấp, bán thân bất toại: phụ tử (chế) 5g, quế nhục, bạch thược, thương truật, đại táo mỗi thứ 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kê tâm bạch phụ, bạch phụ tử, đại bán hạ (Typhonium giganteum Engl.), họ Ráy (Araceae). Cây có lá mọc từ thân rễ, thường có từ 1-4 lá, khi lá mới ra, lá cuộn lại thành dạng góc nhọn, cho nên còn có tên “Độc giác liên”; lá có cuống dài. Phiến lá có 3 góc. Hoa nhỏ. Thân rễ hình trứng hoặc hình thoi, bên ngoài phủ một lớp vảy màu xám. Cây sống ở nơi ẩm ướt trong rừng hoặc được trồng ở một số địa phương thuộc tỉnh Hà Nam và Sơn Đông, Thiểm Tây (Trung Quốc). Vào tháng 7-8, đào lấy thân rễ (củ), cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, ngâm trong nước sạch; ngày thay nước 2-3 lần. Khi củ mềm, lấy ra ngâm với nước phèn chua đến hết vị tê, cay, xếp vào ang sành, cứ một lớp củ lại lớp gừng tươi thái phiến và phèn chua theo tỷ lệ 100kg bạch phụ, 25kg gừng tươi, 12,5-25kg phèn chua; thêm nước sạch đủ ngập. Ngâm 3-4 tuần lễ. Lấy ra, cho vào nồi nhôm, thêm nước, đun kỹ. Đổ củ ra, bỏ gừng, phơi đến 6 phần khô, ủ mềm, thái phiến.
Cây kê tâm bạch phụ (bạch phụ tử, đại bán hạ).
Theo YHCT, kê tâm bạch phụ vị cay, ngọt, tính ôn, nhiệt, có độc. Tác dụng trừ phong, trấn kinh. Liều dùng 1-1,5g. Trị đau đầu dữ dội, đầu đau căng, giật; trúng phong, miệng, mắt méo xệch, bán thân bất toại, uốn ván. Phối hợp với bán hạ (chế), thiên nam tinh (chế), toàn yết 2 con. Sắc uống ngày 1 thang. Không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Bạch phụ tử, hay Dầu mè đỏ, San hô (Jatropha multiphida L.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây nhỡ, nhẵn, cao đến 6m. Lá xẻ hình chân vịt, sâu; các thùy có nhiều răng hẹp, cuống dài bằng lá. Cụm hoa hình xim, dạng tán, có cuống dài mang hoa đơn tính, màu đỏ. Quả nang, hình trứng ngược. Cây được trồng làm cảnh, nhiều nơi ở nước ta. Bộ phận dùng là rễ củ. Rễ có tính độc, do chứa acid cyanhydric.
Bạch phụ tử có vị cay, ngọt, rất nóng, có độc. Tác dụng tán ứ, tiêu thũng, chỉ huyết. Trị cảm lạnh, mất tiếng, trúng phong, co cứng, bại liệt, đau tim do huyết ứ và các bệnh phong ở đầu mặt... Trị tim đau do máu ứ nguy cấp: bạch phụ tử, nhục quế, đương quy mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Nhận xét
Đăng nhận xét